Đôi nét về tác giả và tác phẩm Bùi_Dương_Lịch

Về tác giả

Xuất thân trong một gia đình nho sĩ nghèo, chịu ơn sâu của nhà Lê, do đó Bùi Dương Lịch không ưa nhà Tây Sơn cũng như nhà Nguyễn. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, ông phải làm quan cho hai triều đại sau, khiến ông mang tiếng là kẻ "thay thầy, đổi chủ", như một bài tán đã mỉa mai:

Lê triều cử tiến sĩTây ngụy sĩ hàn lâm.Bản triều vi đốc học,Từ hải cộng tri âm.

Có nghĩa là Triều Lê đỗ tiến sĩ, thời ngụy Tây Sơn làm quan hàn lâm, đến triều ta (nhà Nguyễn) làm đốc học, bốn biển đều biết tiếng ông.

Thực tế, lòng ông luôn hướng về nhà Lê, như trong bài "Phu phụ thạch" (Đá chồng vợ) của ông, trích:

Kỷ độ giang hà thành biến cải,Phong ba bất một thử kiên kinh.

Tạm dịch:

Bao phen sông nước đổi thay,Phong ba không vẩn lòng này kiên trinh...[13].

Về tác phẩm

Qua các tác phẩm của Bùi Dương Lịch, có thể thấy ông là một nhà sử học, là nhà lịch sử địa lý học, trội hơn nhà văn. Tư tưởng Nho giáo chính thống chi phối ngòi bút của ông khá nặng, kể cả lúc tranh luận với người khác [14].

Tuy nhiên, đặc biệt ở ông có cái xu hướng tìm tòi khoa học (cách vật trí tri). Khi nghiên cứu hệ ý thức phong kiến thời Nguyễn, GS. Trần Văn Giàu đã cho rằng "nhà nho như Bùi Dương Lịch là hơi hiếm. Ông theo con đường Trương Tái mà tiếp cận với duy vật luận. Trên không có thượng đế sáng tạo, dưới không có linh hồn bất tử, đó là hai điểm cơ bản làm chỗ dựa cho mọi hoạt động bài trừ mê tín và xây dựng sức mạnh tinh thần của con người"[15].

Về mặt bút pháp, cách ghi chép của ông tương đối cặn kẽ, chú trọng phần xác tín của tư liệu. Việc mô tả hình thế núi sông, khí hậu, phong tục…cụ thể rõ ràng, với con mắt của một người trực tiếp điền dã, có phần nào giống phương pháp của Lê Quý Đôn. Đặc biệt, tuy là sách địa chí hoặc tập hợp thơ văn, các tác phẩm của ông đều dành một số trang để nói về mình cùng những sự kiện lịch sử xảy ra dồn dập từ Nghệ An đến Thăng Long vào những năm cuối thế kỷ 18, mà chính ông có tham dự….Đây chính là những trang hồi ký nóng hổi tính thời sự, có giá trị bổ sung cho sách Hoàng Lê nhất thống chí [14].